Góc chia sẻ

12 bài tin

Mẹo hay

9 bài tin

Mẹ mang thai

12 bài tin

Trẻ sơ sinh

8 bài tin

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh: Bạn đã hiểu đầy đủ và chi tiết?

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến, thường xuất hiện vào ngày thứ hai hoặc thứ ba sau khi em bé chào đời. Trên thực tế, trẻ bị vàng da thường không nguy hiểm, có thể tự khỏi nếu là vàng da sinh lý. Ngược lại, một số ít trường hợp vàng da liên quan đến bệnh lý có thể cần được điều trị. Trong đó, việc chăm sóc và xử lý vàng da ở trẻ như thế nào sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh.

Thực tế là có nhiều nguyên nhân, yếu tố khác nhau gây ra vàng da ở trẻ sơ sinh mà có thể ba mẹ chưa biết. Vì vậy, bạn hãy theo dõi bài viết sau của Hello Bacsi để cập nhật thông tin về vấn đề này nhé!

Vàng da ở trẻ sơ sinh: Các triệu chứng giúp bạn nhận biết

Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Nhìn chung, nếu em bé đủ tháng và khỏe mạnh thì vàng da nhẹ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, đối với một em bé sinh non hoặc ốm yếu thì sẽ cần được theo dõi chặt chẽ hơn nếu bị vàng da. Sau đây là một số triệu chứng phổ biến giúp bạn nhận biết vàng da ở trẻ, bao gồm:

  • Làn da của em bé có màu vàng, đặc biệt là ở da mặt và da đầu
  • Một số trường hợp lòng trắng mắt của trẻ có thể có màu vàng
  • Sắc vàng lan rộng ra toàn bộ da của cơ thể (triệu chứng của bệnh vàng da ở mức độ trung bình)
  • Lòng bàn tay, lòng bàn chân của trẻ chuyển sang màu vàng (xảy ra khi vàng da nặng)
  • Trẻ buồn ngủ bất thường
  • Khó cho bú
  • Trong một số trường hợp, phân của trẻ vàng da có màu sáng hoặc nhạt trong khi nước tiểu lại sẫm màu.

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh do sinh lý

 

Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến và thường không nguy hiểm nếu là vàng da sinh lý. Trong trường hợp này, vàng da là kết quả của quá trình tích tụ bilirubin trong máu của em bé. Bilirubin là một chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Thông thường, bilirubin sẽ được gan xử lý và đào thải ra ngoài.

Trong thai kỳ, bilirubin của em bé sẽ được cơ thể mẹ hỗ trợ đào thải. Sau khi sinh, gan của bé phải tự đào thải chất này nhưng thường thì gan của trẻ sơ sinh vẫn chưa thể làm việc hết công suất. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa bilirubin trong cơ thể và dẫn đến vàng da ở trẻ.

Mỗi trẻ sơ sinh thường có mức bilirubin rất cao và đây là điều bình thường. Đối với trẻ khỏe mạnh và sinh đủ tháng, việc điều trị vàng da thường không cần thiết. Gan của em bé chỉ mất khoảng vài ngày để xử lý bilirubin đúng cách. Ngược lại, đối với trẻ có mức bilirubin rất cao, trẻ sinh non, bị bệnh, mất nước hoặc tăng cân kém sẽ cần phải được theo dõi và điều trị.

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh do sữa mẹ

Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một trong những nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh. Mặc dù chưa rõ vì sao điều này xảy ra nhưng một số giả thiết cho rằng sữa mẹ trong thời gian đầu có chứa một số chất làm giảm khả năng xử lý bilirubin của gan.

Tương tự như vàng da sinh lý, vàng da do sữa mẹ cũng vô hại và chỉ kéo dài khoảng vài tuần. Các mẹ vẫn có thể tiếp tục cho bé bú như bình thường để giúp con phát triển tốt nhất. Đôi khi, trẻ bị vàng da do sữa mẹ cần được điều trị bằng đèn chiếu trong vài ngày và thường không cần điều trị thêm sau đó.

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh do bệnh lý

Vàng da ở trẻ liên quan đến bệnh lý xuất hiện rất sớm và tiến triển nhanh, thường trong vòng 1 đến 2 ngày sau sinh. Trường hợp này, sắc vàng của da thường lan ra toàn thân và có thể kèm theo các triệu chứng khác. Tùy vào mỗi nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh liên quan đến bệnh lý nào mà bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị khác nhau. Sau đây là những thông tin bạn có thể quan tâm:

Xung đột nhóm máu giữa mẹ và bé gây vàng da ở trẻ

Có 2 dạng không tương thích nhóm máu giữa mẹ và bé, bao gồm xung đột nhóm máu hệ ABO (mẹ có nhóm máu O sinh con nhóm A hoặc B) và xung đột nhóm máu hệ Rh (mẹ có nhóm máu Rh âm sinh con có nhóm máu Rh dương).

Khi mẹ và em bé có các nhóm máu khác nhau, cơ thể mẹ sẽ tạo ra các kháng thể tấn công các tế bào hồng cầu của em bé trong giai đoạn sau của thai kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều tế bào hồng cầu của trẻ bị phá vỡ hơn dẫn đến mức bilirubin cao trong cơ thể. Kết quả là em bé có thể bị thiếu máu bẩm sinh hoặc bị vàng da nặng. Trong trường hợp này, trẻ có thể cần được truyền máu hoặc chiếu đèn trong thời gian dài.

Thiếu máu tán huyết

Thiếu máu tán huyết là một dạng rối loạn di truyền của hệ thống miễn dịch. Loại thiếu máu này xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào hồng cầu. Ngoài ra, thiếu máu tán huyết cũng có thể là một biến chứng của các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như nhiễm trùng nghiêm trọng, đặc biệt là nhiễm trùng máu. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây thiếu máu tán huyết mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh do nhiễm virus gây viêm gan

Một số loại virus có thể gây viêm gan ở trẻ sơ sinh, bao gồm cytomegalovirus, rubella, virus viêm gan A, B và C. Thông thường, không thể xác định cụ thể loại virus gây viêm gan ở trẻ sơ sinh. Bé có thể nhiễm virus ở các giai đoạn khác nhau, chẳng hạn như khi còn trong bụng mẹ, nhiễm ngay trước khi sinh hoặc nhiễm trong tháng đầu tiên sau sinh.

Bệnh Galactosemia

Galactosemia là một rối loạn chuyển hóa đường galactose (đường sữa) bẩm sinh. Đây là rối loạn rất hiếm gặp, xảy ra khi em bé thiếu enzym cần thiết để phân hủy galactose. Điều này dẫn đến lượng đường sữa tăng cao và phá hỏng gan. Trong đó, biểu hiện đầu tiên đó là tình trạng vàng da ở trẻ.

Đối với trẻ mắc Galactosemia, đảm bảo chế độ ăn uống của trẻ không chứa galactose hoặc lactose. Điều này có nghĩa là có thể bạn phải ngừng nuôi con bằng sữa mẹ. Thay vào đó là cho trẻ dùng một loại sữa công thức đặc biệt, phù hợp với tình trạng của bé.

Nguyên nhân vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh: Teo đường mật bẩm sinh

Thông thường, bilirubin từ gan sẽ đi qua ống dẫn mật và tích tụ ở túi mật trước khi đến ruột rồi bị đào thải ra ngoài. Thế nhưng, nếu trẻ bị teo đường mật bẩm sinh (tình trạng này thường hiếm gặp), các ống dẫn này sẽ bị tắc nghẽn hoặc không phát triển. Nếu ống dẫn mật không hoạt động, bilirubin sẽ tích tụ trong gan và gây vàng da ở trẻ sơ sinh. Kéo theo đó là màu sắc phân của trẻ luôn rất nhạt. Trong trường hợp này, việc điều trị có thể cần đến phẫu thuật để nối một phần của gan với ruột non nhằm giúp bilirubin cùng các chất bài tiết khác thoát ra ngoài hiệu quả.

Thực tế có khá nhiều nguyên vàng da ở trẻ sơ sinh mà có thể bài viết chưa liệt kê đầy đủ. Một số nguyên nhân khác gây vàng da là do rối loạn tuyến giáp hoặc trẻ mắc các bệnh/ hội chứng di truyền nhưng cực kỳ hiếm. Hầu hết trẻ sau sinh đều bị vàng da do sinh lý và thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về tình trạng này, cách tốt nhất là nên đưa con đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây vàng da. Qua đó, các bác sĩ cũng có thể lựa chọn phương án điều trị phù hợp với tình trạng của bé.

 

Nguồn: hellobacsi

Bình luận

Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.

Viết bình luận

Cùng bé<br>lớn khôn!
Cùng bé
lớn khôn!
Giao hàng<br>siêu tốc
Giao hàng
siêu tốc
Sản phẩm<br>chính hãng
Sản phẩm
chính hãng
Đổi hàng<br>dễ dàng
Đổi hàng
dễ dàng
Chất lượng<br>đảm bảo
Chất lượng
đảm bảo
Tư vấn<br>tận tình
Tư vấn
tận tình
Lên đầu trang
Hỗ trợ online (8h30 - 22h)
Tư vấn
Trang chủ Tin tức Danh mục 6 Ưu đãi Giỏ hàng